Nếu bạn đang đầu một chế độ ăn kiêng keto, bạn có thể bị nổi mẩn đỏ và ngứa. Thực tế, tình trạng này không biến, nhưng một số người mới bắt đầu keto có thể gặp phải. Hiện tượng này được gọi là “phát ban keto”. Hãy cùng tìm hiểu xem “phát ban keto” là gì? và bạn có thể làm gì để khắc phục hoặc phòng tránh tình trạng này.
1. Phát ban Keto là gì?
Phát ban keto là một tình trạng viêm da hiếm gặp không rõ nguyên nhân. Tình trạng này có thể xuất hiện trên những người đang trong giai đoạn đầu của quá trình ăn keto.
1.1. Các triệu chứng của phát ban keto
Phát ban keto thường xuất hiện nhiều ở vùng cổ, ngực và lưng. Nghiên cứu cho thấy phát ban có 4 giai đoạn chính:
Tổn thương ban đầu: Xuất hiện các tổn thương da nổi lên màu hồng nhạt được gọi là mề đay. Giai đoạn này có thể nhanh chóng biến mất và một số người chỉ gặp giai đoạn nhẹ nhàng này
Tổn thương phát triển toàn diện: Đây là phát ban diện rộng khiến người mắc phải lo lắng. Xuất hiện nhiều nốt đỏ hơn được gọi là sẩn, và đôi khi sẩn chứa các chất lỏng bên trong hoặc một số trường hợp hiếm gặp hơn là mủ
Các tổn thương da dần biến mất: Khi phát ban lặn, các sẩn đóng vảy vfa xuất hiện màu thâm.
Tổn thương muộn: Khi đỉnh phát ban kết thúc, da để lại dạng đốm đen giống như tàn nhang, được gọi là “tăng sắc tố dạng lưới”.
1.2. Phát ban keto kéo dài bao lâu:
Thời gian kéo dài ở mỗi người là khác nhau. Nó có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
2. Nguyên nhân gây ra phát ban Keto?
Nguyên nhân chính xác của phát ban keto vẫn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, có một số tác nhân tiềm ẩn liên quan đến chế độ ăn keto có thể làm xuất hiện tình trạng này.
- Các thể xeton: Aceton có thể tạo ra trong quá trình ăn keto giai đoạn đầu có thể gây viêm quanh mạch và phát ban.
- Nhịn ăn quá mức: Trong một nghiên cứu, 50% bệnh nhân cho thấy mối liên quan giữa nhịn ăn và phát ban keto.
- Chất gây dị ứng: Có thể bạn dị ứng với một số thực phẩm khi chuyển sang chế độ ăn keto.
- Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng do loại trừ một số loại thực phẩm và không thay thế chúng bằng thực phẩm thân thiện với keto giàu chất dinh dưỡng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến phát ban keto.
3. Cách khắc phục phát ban keto
Cách chữa trị tốt nhất cho tình trạng phát ban keto vẫn còn nhiều tranh cãi do chưa tìm được nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng này. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để khắc phục nó:
3.1. Hãy kiên nhẫn
Nồng độ axeton thường giảm xuống khi cơ thể bạn đốt cháy xeton hiệu quả hơn. Vì vậy, nếu phát ban liên quan đến axeton nó sẽ tự hết sau một đến ba tuần.
Tuy nhiên, nếu phát ban không tự biến mất sau một đến ba tuần, thì đã đến lúc bạn nên thử các phương án khác.
3.2. Ăn nhiều carb hơn
Một số nghiên cứu cho thấy thời gian nhịn ăn kéo dài hoặc ở trong tình trạng ketosis có liên quan đến phát ban.
Để kiểm tra xem chế độ ăn ketogenic có thể là nguyên nhân kích thích bạn hay không, hãy làm như sau:
- Hãy thử tăng lượng carb vừa đủ để thoát khỏi tình trạng ketosis trong vài ngày và xem liệu phát ban có thuyên giảm hay không.
- Nếu hết phát ban, bạn hãy hạn chế tiêu thụ carb để quay lại trạng thái ketosis
- Nếu phát ban xuất hiện lại, điều đó có nghĩa là cơ thể bạn nhạy cảm với xeton. Trong trường hợp này, bạn hãy xem xét một chế độ ăn ít carb thoải mái hơn với khoảng 50-100 gam carbs mỗi ngày. Điều này vẫn sẽ có lợi ích cho quá trình giảm cân của bạn.
3.3. Xem xét thực phẩm bạn ăn
Phát ban trên da có thể là kết quả của dị ứng thực phẩm hoặc nhạy cảm gây viêm. Trong chế độ ăn keto nhiều chất béo, ít carb, một số thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất bao gồm trứng, sữa, các loại hạt, động vật có vỏ (ví dụ như hàu, trai, cua) và cá.
Để biết bạn có dị ứng hay không, bạn hãy thử:
- Loại bỏ một trong những thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn uống trong khoảng 30 ngày
- Theo dõi tình trạng phát ban có giảm bớt hoặc biến mất sau thời gian này hay không.
- Nếu tình trạng phát ban được cải thiện, bạn hãy loại bỏ thực phẩm đó ra khỏi thực đơn của mình.
- Nếu không, hãy đưa thực phẩm đó trở lại chế độ ăn uống và loại bỏ một loại thực phẩm khác với cách thử như trên.
3.4. Bổ sung vi chất dinh dưỡng
Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể đóng vai trò nào đó trong tình trạng viêm da nhất định. Ví dụ thiếu vitamin A , vitamin D, vitamin B-12 và vitamin C có liên quan đến tình trạng da cấp tính và mãn tính.
Vì vậy, hãy đảm bảo bổ sung vào chế độ ăn uống của bạn các loại vitamin và khoáng chất khi thực hiện chế độ ăn keto bằng cách ăn các loại trái cây, rau củ nhiều màu sắc thân thiện với keto để cung cấp đa dạng các loại vitamin và khoáng chất cần thiết.
3.5. Vệ sinh cơ thể sau khi tập thể dục
Sau khi tập thể dục cơ thể thường đổ nhiều mồ hôi. Lượng aceton trong mồ hôi là một tác nhân gây phát ban. Chính vì vậy, sau khi tập thể dục hay hoạt động ra nhiều mồ hôi bạn hãy tắm, vệ sinh da để hạn chế tình trạng phát ban keto.
3.6. Gặp bác sĩ để được khám và tư vấn điều trị
Nếu các phương pháp điều trị tại nhà không làm hết phát ban, bạn có thể cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị bằng thuốc.
Các loại thuốc hiệu quả được kê đơn cho bệnh ngứa da sắc tố là thuốc kháng sinh minocycline và doxycycline. Dapsone cũng có thể được sử dụng để điều trị.
4. Làm gì để ngăn ngừa phát ban keto
Mặc dù phát ban keto rất hiếm, tuy nhiên nếu mắc phải nó sẽ gây rất khó chịu. Vì vậy, tốt nhất bạn hãy tìm cách ngăn ngừa tình trạng này:
Từ từ giảm lượng carbohydrate: Nếu bạn mới bắt đầu keto, hãy giảm lượng carb tiêu thụ một cách từ từ để cơ thể có thời gian điều chỉnh. Thời gian này bạn hãy chú ý đến những biểu hiện từ làn da của mình.
Bổ sung bằng vitamin tổng hợp / khoáng chất để giảm thiểu khả năng thiếu hụt chất dinh dưỡng khi bạn bắt đầu chế độ ăn keto.
Hãy bổ sung những thực phẩm chống viêm như: cá hồi, cá mòi, nghệ, dầu oliu, rau xanh,..
Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu bạn lo lắng về bất kỳ tác dụng phụ nào của chế độ ăn keto, bao gồm phát ban keto. Hãy đến gặp bác sĩ để biết thêm thông tin. Họ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia dinh dưỡng, người có thể giúp bạn chuyển sang chế độ ăn keto một cách an toàn.
Tóm lại, nếu bạn chưa với keto và bị phát ban keto, chúng tôi khuyên bạn nên thực hiện một số cách trên cũng như trao đổi với bác sĩ nếu tình trạng phát ban không thuyên giảm. Chúc bạn thành công!