Viêm là một thuật ngữ được sử dụng khá nhiều đối với bệnh nhân tiểu đường, nhưng nó thực sự có nghĩa là gì? Và nó ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như thế nào? Dưới đây là những điều bạn cần biết về tình trạng viêm khi bị tiểu đường.
Bạn có thể đã nghe nói về chứng viêm nhưng không chắc nó là gì hoặc nó có thể ảnh hưởng đến bạn như thế nào, đặc biệt nếu bạn bị tiểu đường. Ngoài ra, những gì bạn ăn có thể đóng một vai trò trong việc giúp làm giảm tình trạng viêm.
Hãy đọc tiếp phần dưới đây để tìm hiểu thêm về chứng viêm và cách nó ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Đặc biệt là những điều bạn cần biết về chứng viêm và bệnh tiểu đường.
1. Viêm là gì?
Viêm xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với các tổn thương. Phản ứng miễn dịch bình thường này có thể bảo vệ và chữa lành vết thương, nhưng khi bị viêm quá nhiều, nó có thể làm hỏng các mô và gây hại cho sức khỏe.
Nếu bạn đã từng bị đứt tay hoặc bị bầm tím, bạn có thể đã từng bị viêm. Sưng, nóng, đỏ, đau xuất hiện xung quanh vết thương đều là dấu hiệu của tình trạng viêm nhiễm. Đây là một phần của quá trình cơ thể sửa chữa những tổn thương và cuối cùng nó sẽ giảm bớt khi vết thương được chữa lành.
Nhưng không phải tất cả các chứng viêm đều có thể nhìn thấy được. Giống như nó có thể xảy ra trên bề mặt da của chúng ta, viêm cũng có thể xảy ra sâu bên trong các mô cơ thể. Nếu một mô hoặc cơ quan bị tổn thương, tình trạng viêm sẽ xảy ra khi cơ thể hoạt động để tự chữa lành.
2. Viêm ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Tình trạng viêm xảy ra trong một thời gian ngắn để phản ứng với chấn thương hoặc bệnh tật là sinh lý bảo vệ bình thường của cơ thể và đây là điều không phải đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình tình trạng viêm xảy ra liên tục, được gọi là viêm mãn tính, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Viêm mãn tính có nghĩa là tổn thương mô xảy ra liên tục. Theo thời gian, viêm mãn tính có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, hội chứng chuyển hóa và bệnh tiểu đường loại 2, cũng như một số tình trạng tự miễn dịch, bệnh thần kinh và ung thư.
Khi cơ thể ở trong tình trạng viêm mạn tính, cơ thể có thể bị giảm khả năng miễn dịch. Viêm mãn tính cũng có thể góp phần gây ra một số triệu chứng khá khó chịu hàng ngày như sương mù não, khó tiêu, khó giảm cân và mệt mỏi. Do đó, thực hiện các bước để kiểm soát chứng viêm mãn tính là rất quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe của chúng ta và ngăn ngừa và quản lý bệnh tật.
3. Viêm mãn tính ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn như thế nào?
Vậy mối liên hệ giữa viêm mãn tính và bệnh tiểu đường là gì?
Viêm mãn tính là một yếu tố nguy cơ của cả bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2, nhưng nó cũng có thể là một biến chứng của bệnh tiểu đường.
3.1. Ảnh hưởng của viêm đến bệnh tiểu đường loại 1
Trong trường hợp bệnh tiểu đường loại 1, viêm là một phần của phản ứng tự miễn dịch gây ra bệnh.
Bệnh tiểu đường loại 1 là khi cơ thể thiếu hụt insulin. Viêm mãn tính do phản ứng tự miễn dịch của cơ thể gây ra thiệt hại cho các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, dẫn đến các tế bào này không sản xuất đủ insulin. Điều này khiến đường không đưa được vào trong tế bào dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.
3.2. Ảnh hưởng của viêm đến bệnh tiểu đường loại 2:
Viêm cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành và tiến triển của bệnh tiểu đường loại 2.
Bệnh tiểu đường loại 2 là tình trạng mãn tính trong đó các tế bào kém nhạy cảm với insulin dẫn đến sử dụng hormone này không hiệu quả. Khó khăn trong việc xử lý glucose (hay còn gọi là đường trong máu) từ carbohydrate trong thực phẩm. Điều này gây ra lượng đường trong máu cao mãn tính. Theo thời gian, bệnh tiểu đường loại 2 gây ra tình trạng viêm liên tục trong cơ thể.
Viêm cũng là một yếu tố trong việc phát triển bệnh tiểu đường loại 2.Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng viêm có thể phá vỡ các con đường truyền tín hiệu insulin liên quan đến chuyển hóa glucose, do đó góp phần gây ra bệnh tiểu đường loại 2.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chất béo dư thừa trong cơ thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng viêm. Các bệnh mãn tính thúc đẩy quá trình viêm, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 2. Viêm mãn tính cũng có thể góp phần làm cơ thể dư thừa chất béo, tạo ra một vòng luẩn quẩn tăng cân, viêm nhiễm, rối loạn chức năng đường huyết, và sau đó là nguy cơ tăng nguy cơ béo phì và tiểu đường loại 2.
4. Nên bổ sung những chất dinh dưỡng nào có thể giúp điều trị viêm mãn tính?
Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng viêm mãn tính nhờ sức mạnh của chất chống oxy hóa có thể giúp giảm thiểu thiệt hại do viêm gây ra.
Chất chống oxy hóa là các hợp chất chống viêm giúp trung hòa các hợp chất gây viêm như các gốc tự do. Chúng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm bao gồm cá béo, trái cây, rau, gia vị và thảo mộc. Dưới đây là một số chất dinh dưỡng chính có thể giúp chống lại chứng viêm mãn tính.
4.1. Chất béo Omega-3
Axit béo omega-3 đã được chứng minh là có khả năng chống viêm. Bổ sung đủ omega-3 là điều cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng đặc biệt quan trọng đối với những người bị bệnh tiểu đường.
Một số nguồn cung cấp omega-3 tốt nhất bao gồm cá béo như cá hồi, cá ngừ và cá thu. Bạn cũng có thể bổ sung được omega-3 từ các nguồn thực vật như quả óc chó và hạt lanh.
4.2. Curcumin
Curcumin là một loại chất chống oxy hóa được tìm thấy trong nghệ làm gia vị phổ biến. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy chất curcumin có thể giúp giảm lượng đường trong máu và cải thiện tình trạng kháng insulin ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Bạn có thể sử dụng nghệ như một loại gia vị trong nhiều món mặn bao gồm cà ri và salad gà. Bạn cũng có thể pha latte nghệ hoặc thêm nghệ vào sinh tố để tăng thêm lượng nghệ trong đồ uống của bạn.
4.3. Vitamin C
Vitamin C là một chất chống oxy hóa khác giúp giảm viêm trong cơ thể.
Bạn có thể nhận được một lượng vitamin C lành mạnh trong chế độ ăn uống của mình bằng cách thường xuyên ăn trái cây họ cam quýt, ổi, dâu tây, cải xoăn, súp lơ, ớt chuông và kiwi.
4.4. Polyphenol
Polyphenol là một nhóm các chất dinh dưỡng thực vật, hoặc các hợp chất, có trong thực phẩm thực vật. Ví dụ về polyphenol bao gồm flavonols, quercetin, catechin, anthocyanins và resveratrol. Polyphenol chống lại chứng viêm bằng cách dập tắt các gốc tự do và điều chỉnh hoạt động của các hợp chất chống viêm. Polyphenol có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm và gia vị, bao gồm quả mọng, quế, sô cô la đen, hành tím và bắp cải tím.
Viêm là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ của cơ thể, đặc biệt là khi chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, nó cũng có thể tàn phá cơ thể bạn nếu không được kiểm soát, đặc biệt là về lâu dài. Các lựa chọn lối sống tích cực để hạn chế tình trạng viêm nhiễm có thể giúp bạn giữ cơ thể khỏe mạnh.