Gạo trắng là lương thực chủ đạo trong khẩu phần ăn hàng ngày của hầu hết các nước Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, gạo trắng nấu thành cơm sau khi ăn khiến lượng đường trong máu tăng nhanh. Điều này cực kỳ không tốt đối với bệnh nhân tiểu đường? Các nhà khoa học đã phát hiện ra cách nấu cơm cho người tiểu đường giúp lượng đường huyết không tăng nhanh sau khi ăn. Hãy theo dõi bài viết để biết cách nấu cơm độc đáo này là gì nhé!
1. Giá trị dinh dưỡng trong gạo
Gạo chứa vitamin và khoáng chất. Giá trị dinh dưỡng trong gạo khác nhau ở giống gạo và cách thức chế biến
Gạo trắng nói chung thường chứa ít vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, có thể tìm thấy một lượng lớn vitamin và khoáng chats có trong cám gạo và mầm của gạo nâu chứ không phải gạo trắng. Một số loại vitamin và khoáng chất đó là:
- Vitamin B1: Vitamin B1 là chất cần thiết cho sự trao đổi chất và hoạt động của tim, cơ bắp và hệ thần kinh.
- Vitamin B3: Vitamin B3 có tác dụng cải thiện cholesterol bằng cách giảm triglyceride và cholesterol xấu (LDL), tăng cholesterol tốt (HDL) giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.
- Mangan: Mangan là khoáng chất vi lượng có trong hầu hết các loại thực phẩm, đặc biệt là ngũ cốc nguyên hạt. Khoáng chất này cần thiết cho sự trao đổi chất, tăng trưởng và hệ thống chống oxy hóa của cơ thể.
Ngoài ra, trong gạo còn chứa nhiều khoáng chất vi lượng khác cần thiết cho cơ thể hoạt động khỏe mạnh như selen, magie, đồng,…
2. Cách nấu cơm cho người tiểu đường giúp kiểm soát lượng đường huyết
Gạo trắng là loại gạo thường đã qua tinh chế loại bỏ cám và mầm. Quá trình này giúp tăng chất lượng của gạo trông đẹp mắt hơn, gạo cũng dễ bảo quản hơn. Tuy nhiên, việc này khiến gạo trắng mất đi nhiều vitamin và khoáng chất có trong cám gạo và mầm. Đồng thời khiến sau khi ăn cơm gạo trắng lượng đường trong máu sẽ tăng nhanh hơn không tốt cho người bệnh tiểu đường
Vậy cách nấu cơm cho người tiểu đường giúp kiểm soát lượng đường huyết như thế nào?
2.1. Giảm bớt lượng đường trong gạo bằng cách nấu gạo với dầu dừa
Theo nhiều nghiên cứu đã thực hiện, cách nấu gạo với dầu dừa giúp làm giảm lượng đường hấp thu từ cơm trắng, kiểm soát đường huyết tốt hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Cách làm:
Bước 1: Vo gạo thật kỹ khoảng 3 lần đổ nước.
Bước 2: Bạn cho thêm dầu dừa, khoảng 3% lượng gạo mà bạn đã nấu (thường thì đong 1 thìa cafe trên 0.5Kg gạo)
Bước 3: Sau khi cơm chín, bạn để cơm vào ngăn mát trong tủ lạnh trong khoảng 12 giờ và khi ăn bạn có thể làm nóng trở lại. Ăn kèm với thức ăn như bình thường.
2.2. Thay thế gạo trắng bằng gạo lứt
Gạo lứt là một trong những loại thực phẩm cung cấp chất xơ dồi dào, nhiều vitamin và khoáng chất hơn gạo trắng. Đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, ăn cơm gạo lứt giúp làm giảm lượng đường trong máu, ngăn ngừa tiến triển của bệnh.
Khi người bệnh tiểu đường sử dụng gạo lứt trong một thời gian dài (khoảng 10 bữa ăn gạo lứt/tuần và dùng trong tối thiểu 8 tuần) giúp cải thiện đường máu cũng như chức năng nội mô. Đây là những chỉ số quan trọng đo lường sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, gạo lứt cũng hỗ trợ giảm cân rất tốt. Đặc biệt, giảm cân rất quan trọng đối với người bị tiểu đường tuýp 2 vì nó giúp ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.
3. Cách ăn cơm gạo trắng mà vẫn giữ được đường huyết ổn định
Trên thực tế, bệnh nhân tiểu đường vẫn có thể ăn cơm gạo trắng bình thường ,à không ảnh hưởng quá nhiều đến lượng đường huyết sau khi ăn. Dưới đây là một số lời khuyên cho bệnh nhân tiểu đường khi ăn cơm gạo trắng:
- Bổ sung theo nhu cầu của cơ thể: Việc tính toán chính xác nhu cầu năng lượng của cơ thể khá phức tạp. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể ước chừng bằng cách ăn ít hơn so với người bình thường. Sau đó, thực hiện kiểm tra đường huyết 2 giờ sau khi ăn. Nếu giá trị đường huyết đo được trên 10mmol/l, lần sau cần phải ăn ít hơn.
- Kiểm soát lượng thức ăn nạp vào: Với bệnh nhân tiểu đường việc kiểm soát lượng thức ăn nạp vào rất quan trọng để tránh thừa cân, béo phì. Bệnh nhân nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày (5-6 bữa/ngày) để góp phần khống chế đường huyết, không để xảy ra tăng đường huyết quá mức sau bữa ăn và chống hạ đường huyết khi đói, nhất là với bệnh nhân có dùng thuốc hạ đường huyết.
- Sắp xếp thứ tự ăn phù hợp: Để đường huyết không bị tăng đột biến sau khi ăn, bệnh nhân có thể lựa chọn thứ tự ăn hợp lý. Bệnh nhân nên ưu tiên ăn rau củ và nước canh, thịt trước, sau đó mới đến cơm. Khi đó, lượng chất xơ trong rau củ giúp làm chậm hấp thu đường từ tinh bột, chất xơ cũng giúp bệnh nhân có cảm giác mau no và giảm đi sự thèm ăn.