Bất kỳ chị em sau sinh nào cũng đều khao khát được sở hữu thân hình thon gọn như “thời con gái”. Tuy nhiên, có rất nhiều chị em đang còn phải loay hoay tìm biện pháp trở về cân nặng như xưa nhưng vẫn phải đảm bảo sữa cho bé.
Và một trong những giải pháp được chị em quan tâm là thực hiện theo chế độ ăn keto. Nhưng, liệu phương pháp ăn kiêng siêu ít carb có thực sự hiệu quả và có an toàn cho những bà mẹ mới sinh con không? Nếu có thì có những thực đơn keto cho mẹ cho con bú?
1. Đang nuôi con bằng sữa mẹ có nên ăn keto để giảm cân không?
Với những mẹ đang cho con bú, cơ thể người mẹ cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để không những có sức khỏe tốt, mà còn đảm bảo nguồn sữa nhiều và có chất lượng.
Điều này khiến cơ thể bạn đốt cháy nhiều năng lượng và do đó bạn cần bổ sung nhiều calo từ thực phẩm hơn bình thường. Trung bình, người phụ nữ trưởng thành cần 2.000 calo để duy trì hoạt đông, thế nhưng các mẹ bỉm sữa lại phải cần thêm từ 200 đến 500 calo mỗi ngày khi cho con bú.
Khi nào mẹ sau sinh nên bắt đầu ăn kiêng lấy lại dáng?
Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé thì mẹ nên chờ ít nhất 8 tuần sau sinh mới bắt đầu áp dụng chế độ ăn giảm cân sau sinh.
Còn nếu như mẹ lo ngại, ăn kiêng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và số lượng sữa mẹ thì tốt nhất nên để em bé được 6 tháng, mẹ mới nên bắt đầu kế hoạch ăn kiêng giảm cân nhé. Nếu bạn muốn sử dụng các thực phẩm hỗ trợ giảm cân, hãy đợi đến khi trẻ dứt sữa hoàn toàn.
Đang cho con bú có ăn keto được không? Câu trả lời là CÓ THỂ ĂN ĐƯỢC KETO. Tuy nhiên, khi bạn chuyển sang chế độ ăn keto có thể gây ra nhiều xáo trộn về nội tiết tố trong cơ thể và ảnh hưởng tới sữa mẹ. Chính vì vậy, bạn nên để ít nhất 6 tháng sau khi sinh mới bắt đầu thực hiện ăn keto để giảm cân nhé!
Lưu ý khi thực hiện chế độ ăn keto giảm cân dành cho phụ nữ sau sinh
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, mẹ cho con bú cần ghi nhớ những lưu ý về keto như sau:
– Tuyệt đối không nhịn ăn hay để cơ thể bị đói, không để cơ thể rơi vào tình trạng suy nhược; không đủ sữa cho con bú.
– Nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ mỗi ngày. Mẹ nên ăn 6-8 bữa nhỏ mỗi ngày. Việc chia thành các bữa nhỏ để cơ thể mẹ không ăn quá nhiều và cũng không bị đói.
– Tuy keto là chế độ ăn hạn chế tinh bột, tuy nhiên bạn đang cho con bú nên mẹ không nên cắt hoàn toàn tinh bột ra khỏi thực đơn hàng ngày.
2. Các nhóm chất cần có trong thực đơn keto mẹ cho con bú
Một bữa ăn keto đủ chất dinh dưỡng dành riêng cho mẹ sau sinh không thể không thiếu những nhóm chất như dưới đây:
Tinh bột
Như đã nói ở trên, với những mẹ đang cho con bú không nên cắt hoàn toàn tinh bột ra khỏi chế độ ăn hàng ngày. Tinh bột là chất dinh dưỡng quan trọng đối với cả sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé.
Mẹ nên cắt giảm tinh bột một lượng vừa phải và từ từ để tránh gây ra những hệ lụy tới sức khỏe của mẹ và bé.
Thay vì ăn các loại tinh bột đã qua tinh chế như cơm trắng, bún phở, mẹ nên tiêu thụ những loại tinh bột tốt như yến mạch, gạo lứt, khoai lang,…
Chất đạm
Chất đạm rất tốt và cần thiết cho sức khỏe, sữa mẹ cũng như vóc dáng. Mẹ cho con bú cần được cung cấp đầy đủ khoảng 60 – 70 gam đạm trong thực đơn hàng ngày.
Để đảm bảo dù thực hiện chế độ ăn giảm cân mà vẫn đủ sữa, bạn không nhất thiết phải ăn nhiều những món “lợi sữa” nhưng quá dư thừa năng lượng như:giò heo, chân giò… vì những món này rất nhiều mỡ mà lại ít chất dinh dưỡng.
Thay vào đó, bạn nên bổ sung những thực phẩm lành mạnh như thịt, trứng, sữa, hạt sen, các loại đậu giàu protein. Những thực phẩm này rất tốt để tạo sữa mà lại không gây tích lũy nhiều mỡ.
Chất béo
Chất béo là một nhóm chất không thể thiếu trong chế độ ăn keto. Tuy nhiên, mẹ bỉm sữa cần nên hạn chế các món chiên xào nhiều dầu mỡ ,đặc biệt là sử dụng các loại dầu thông thường đã hydrat hoá.
Bên cạnh đó, mẹ nên giảm tiêu thụ các đồ ăn nhanh, món ăn chế biến sẵn, thay vào đó là các món chế biến hấp, luộc.
Gợi ý nhỏ cho mẹ là có thể bổ sung chất béo thông qua những loại thực phẩm lành mạnh như: dầu oliu, các loại cá béo, quả bơ,…
Chất xơ
Chất xơ là một chất dinh dưỡng rất tốt cho hoạt động của hệ tiêu hoá, đồng thời sẽ giúp bạn no lâu hạn chế cảm giác đói.
Hàng ngày bạn nên cung cấp cho cơ thể khoảng 300 – 400 gam rau củ các loại để bổ sung chất xơ và các vitamin cần thiết.
3. Gợi ý thực đơn keto dành cho mẹ cho con bú
Dưới đây là một số thực đơn keto dành cho mẹ cho con bú mà mẹ nên tham khảo:
Thực đơn 1
Bữa sáng: 1 bát cháo yến mạch + 1 cốc sữa đậu nành không đường.
Bữa phụ sáng: ½ quả bơ + 1 hộp sữa chua
Bữa trưa: 1 bát cơm gạo lứt + canh bí đao + cá hồi áp chảo + 1 quả trứng luộc + kiwi tráng miệng
Bữa xế chiều: 1 nắm các hạt óc chó, hạnh nhân + 1 ly sữa không đường
Bữa tối: 1 bát cơm gạo lứt + canh rau ngót thịt bằm + bông cải xanh xào thịt bò + dâu tây tráng miệng.
Thực đơn 2:
Bữa sáng:1 đía salad rau xanh và ức gà + 1 bát canh rau ngót
Bữa phụ sáng: 1 ly sữa hạt không đường
Bữa trưa: 1 bát cơm gạo lứt + 1 bát canh rau mồng tơi + thịt kho trứng + 1 quả táo tráng miệng
Bữa xế chiều: 1 bát súp nấm
Bữa tối: 1 bát súp cua thịt + 1 bát canh +cá hồi áp chảo cùng măng tây
Thực đơn 3:
Bữa sáng:1 đía thịt luộc + 1 bát canh rau muống + 2 – 3 quả táo ta
Bữa phụ sáng: 1 ly sữa chua không đường
Bữa trưa: 1 bát cháo yến mạch + 1 bát canh mướp + thịt bò xào sả ớt + 1 quả dưa chuột tráng miệng
Bữa xế chiều: 1 cốc nước cam
Bữa tối: 1 bát súp thịt gà + 1 bát canh rau cải + cá chép om dưa
Thực đơn keto cho mẹ cho con bú cần được cân nhắc kỹ càng. Chúng vừa phải giúp mẹ giảm cân, khỏe mạnh mà vẫn đảm bảo đủ sữa cùng các chất dinh dưỡng cần thiết cho bé.
Hy vọng qua bài viết trên, mẹ cho con bú đã có được những lời khuyên hữu ích để xây dựng thực đơn keto phù hợp, hiệu quả. Chúc mẹ sẽ thành công!