Thông tin từ A đến Z về Chữa trị tiểu đường tuýp 2

Đã có rất nhiều người chữa tiểu đường tuýp 2 không hiệu quả do nhiều nguyên nhân, một trong số đó phải kể đến việc chưa hiểu cặn kẽ mục tiêu cũng như các phương pháp điều trị hiệu quả. Để giúp các bạn có kiến thức chi tiết nhất về điều trị bệnh tiểu đường, Ibaketo xin mời bạn hãy đọc ngay bài viết dưới đây để có thêm thông tin bổ ích nhé.

1. Mục tiêu điều trị tiểu đường

Với mỗi bệnh nhân khác nhau sẽ có mục tiêu điều trị khác nhau, tùy vào tình trạng của từng người bệnh. Cụ thể như sau:

– Cần kiểm soát chặt chẽ trong quá trình chữa trị của đối tượng: bệnh nhân mới mắc tiểu đường tuýp 2 trong thời gian ngắn, người bệnh trẻ tuổi, không đi kèm bệnh tim mạch quan trọng, được điều trị bằng cách thay đổi lối sống hoặc chỉ dùng metformin.

Đối với những trường hợp này, việc điều trị cần đạt được các kết quả: HbA1c<6.5% (48 mmol/mol) nếu có thể, không xảy ra hiện tượng hạ đường huyết đột ngột, không gặp phải tác dụng phụ của thuốc.

– Ngược lại, mục tiêu điều trị có thể được nới lỏng hơn với các đối tượng như: bệnh nhân có tiền sử hạ đường huyết nghiêm trọng, người bệnh đã lớn tuổi, gặp các biến chứng liên quan đến hệ tim mạch, thời gian mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đã kéo dài và khó đạt được mục tiêu điều trị.

Với các bệnh nhân nêu trên, cần đạt kết quả điều trị là HbA1c<8% (64 mmol/mol)

– Nếu đã đạt mục tiêu glucose huyết lúc đói, nhưng HbA1c còn cao cần xem lại mục tiêu glucose huyết sau ăn, đo vào lúc 1-2 giờ sau khi bệnh nhân bắt đầu ăn.

– Về việc kiểm soát đường huyết, cần đáp ứng những yêu cầu như sau:

  • Thực hiện xét nghiệm HbA1c ít nhất 2 lần trong 1 năm ở những người bệnh đáp ứng mục tiêu điều trị (và những người có đường huyết được kiểm soát ổn định).
  • Thực hiện xét nghiệm HbA1c hàng quý ở những người bệnh được thay đổi liệu pháp điều trị hoặc những người không đáp ứng mục tiêu về glucose huyết.
  • Thực hiện xét nghiệm HbA1c tại thời điểm người bệnh đến khám, chữa bệnh để có thể thay đổi phương pháp chữa trị kịp thời trong tình huống bất thường. 
Mục tiêu điều trị bệnh tiểu đường
Mỗi bệnh nhân có một mục tiêu điều trị bệnh tiểu đường khác nhau

2. Lựa chọn phương pháp và cách chữa bệnh tiểu đường tuýp 2

Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh tiểu đường cụ thể được các chuyên gia khuyến cáo. Bạn có thể tham khảo như sau:

2.1. Thay đổi lối sống khoa học và lành mạnh

Thay đổi hàng loạt chế độ vận động, dinh dưỡng hàng ngày lành mạnh và khoa học là biện pháp áp dụng đầu tiên cho những người mới mắc bệnh tiểu đường. Khi đó, những người mới mắc bệnh không cần sử dụng thuốc và được theo dõi trong vòng 3 tháng sau khi áp dụng lối sống mới tích cực hơn.

– Vận động thường xuyên 

Để lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp, người bệnh cần căn cứ vào các kết quả kiểm tra huyết áp, nhịp tim, sức khỏe cơ bắp. 

Hình thức tập thể dục đơn giản và phù hợp nhất cho người bệnh tiểu đường là đi bộ, mỗi ngày bạn nên đi bộ khoảng 30 phút và hàng tuần nên tập cơ bắp bằng cách kéo dây, nâng tạ…

Người già bị đau nhức xương khớp có thể chia thành nhiều lần tập trong ngày, mỗi lần khoảng khoảng 10 – 15 phút. Với người trẻ nên tập khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày, tập kéo dây hay nâng tạ ít nhất 3 lần/tuần.

Vận động thường xuyên
Vận động thường xuyên giúp kiểm soát đường huyết

– Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Chế độ dinh dưỡng cần được xây dựng phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh, các bệnh lý đi kèm với đái tháo đường, thực phẩm sẵn có tại mỗi vùng miền. Nhưng nguyên tắc chung về dinh dưỡng cho bệnh nhân cần đảm bảo những yêu cầu sau:

– Sử dụng các loại carbohydrat có chứa nhiều chất xơ, không chà xát kỹ như: gạo lứt, bánh mì đen…

– Lượng đạm cần bổ sung hàng ngày khoảng 1-1.5 gam/kg cân nặng/ngày ở những người có chức nặng thận bình thường. Ngoài ra, người bệnh nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần.

– Nên sử dụng các loại mỡ có chứa axit béo không no như: mỡ cá, dầu lạc, dầu mè. Cần tránh rán ngập dầu mỡ, dùng các loại mỡ bão hòa.

– Hạn chế ăn mặn, chỉ nên dùng khoảng 2300mg muối mỗi ngày.

– Đặc biệt chú ý bổ sung các yếu tố vi lượng nếu thiếu. Với người bệnh dùng Metformin lâu ngày có thể gây thiếu vitamin B12, có thể dẫn tới tình trạng thiếu máu và các bệnh lý thần kinh.

– Không uống rượu bia và các chất kích thích, không hút thuốc lá.

Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp người bệnh tiểu đường cài thiện bệnh lý

2.2. Sử dụng thuốc uống chữa trị tiểu đường

Nếu sau 3 tháng áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống mà người bệnh không đạt mục tiêu HbA1c thì bác sỹ sẽ cân nhắc chỉ định sử dụng thuốc cho bệnh nhân.

Đơn thuốc có thể bao gồm metformin hoặc phối hợp Metformin với một thuốc thuộc nhóm trị tiểu đường khác (có thể là thuốc viên hoặc insulin, đồng vận thể GLP-1).

Nếu sau 3 tháng sử dụng theo cách phối hợp thuốc trên, tình trạng bệnh nhân vẫn không đạt được mục tiêu HbA1c thì thay đổi cách kết hợp thuốc. Cụ thể là Metformin và 2 thuốc thuộc nhóm trị tiểu đường khác.

Các thuốc trị tiểu đường tuýp 2 hay được bác sỹ lựa chọn sử dụng là: Metformin, thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose (SCLT2i), Sulfonylurea, Glinides, Pioglitazon, Ức chế enzym alpha glucosidase, Ức chế enzym DPP-4, Đồng vận thể GLP-1, Insulin.

Nguyên tắc lựa chọn thuốc cho bệnh nhân tiểu đường đó là:

– Cần thay đổi phương pháp điều trị hoặc các loại thuốc chữa trị nếu sau 3 tháng không đạt được mục tiêu HbA1c, bên cạnh đó cần theo dõi đường huyết lúc đói và đường huyết sau ăn 2 giờ để lựa chọn thuốc.

– Khi phối hợp thuốc, chỉ được phối hợp từ 2 đến 4 loại thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau.

– Trường hợp bệnh nhân không dung nạp Metformin, có thể dùng Sulfonylurea trong lựa chọn bắt đầu chữa bệnh.

– Chú ý cần thận trọng tránh nguy cơ hạ glucose huyết khi khởi đầu điều trị bằng sulfonylurea, insulin, đặc biệt khi glucose huyết ban đầu không cao và bệnh nhân lớn tuổi.

Sử dụng thuốc trị tiểu đường
Sử dụng thuốc trị tiểu đường cần theo sự chỉ định của bác sỹ

2.3. Tiêm insulin

Nếu việc sử dụng Metformin và các loại thuốc điều trị tiểu đường khác sau 3 tháng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, bác sỹ có thể cân nhắc cho bệnh nhân tiểu đường tiêm Insulin và dùng thêm thuốc uống trị tiểu đường.

Các hình thức điều trị tiểu đường với Insulin hay được bác sỹ áp dụng là: điều trị insulin nền và điều trị insulin trộn hỗn hợp.

Chú ý, bác sỹ và nhân viên y tế cần hướng dẫn kỹ thuật tiêm và triệu chứng hạ đường huyết cho bệnh nhân. Kiểm tra kỹ thuật tiêm của bệnh nhân khi tái khám, khám vùng da nơi tiêm insulin xem có vết bầm, nhiễm trùng, loạn dưỡng mỡ.

3. Kiểm tra hiệu quả điều trị

Dưới đây là các khoảng thời gian kiểm tra đường huyết để có thể đánh giá hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường như sau:

– Glucose huyết sáng lúc đói phản ảnh hiệu quả của insulin nền (đối với loại insulin tác dụng dài). 

– Glucose huyết sau ăn phản ánh hiệu quả của insulin nhanh tiêm trước khi ăn. 

– Glucose huyết trước khi đi ngủ cho phép tiên đoán nguy cơ hạ glucose huyết xảy ra ban đêm. 

– Tuy nhiên, nồng độ glucose huyết trong máu còn tùy thuộc số lượng và loại thức ăn trước đó, tình trạng vận động của bệnh nhân, thuốc điều trị các bệnh lý đi kèm.

Ngoài ra, người bệnh tiểu đường cũng cần phòng ngừa và kiểm soát các biến chứng đi kèm như: tăng huyết áp, bệnh về răng miệng, rối loạn nhịp tim… Khi phát hiện các biến chứng này, người bệnh cần khẩn trương đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Trên đây là toàn bộ thông tin về cách chữa tiểu đường mà bạn cần biết, hy vọng bài viết đã cung cấp đầy đủ kiến thức hữu ích nhất liên quan đến cách điều trị tiểu đường. Chúc bạn sẽ chữa trị tiểu đường thành công 

Contact Me on Zalo