Bất kỳ chế độ ăn kiêng nào cũng tiềm ẩn những tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khoẻ, chế độ ăn keto cũng vậy. Bên cạnh những lợi ích của keto, bạn cũng cần lường trước các tác dụng phụ của keto trước khi thực hiện chế độ ăn này nhé. Mời bạn đọc ngay bài viết dưới đây để tìm hiểu về tác hại của chế độ ăn này.
1. Keto có hại không?
Có một số ý kiến cho rằng trạng thái ketosis có thể ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khoẻ. Tuy nhiên, có thể họ đang nhầm lẫn giữa ketosis và ketoacidosis, hai trạng thái này hoàn toàn khác nhau. Nhiễm ketoacidosis là hiện tượng nghiêm trọng xảy ra do không kiểm soát được bệnh tiểu đường, trong khi đó ketosis là trạng thái trao đổi chất tự nhiên của cơ thể.
Chế độ ăn keto đã được nhiều nghiên cứu chứng minh rằng có lợi ích lớn cho việc giảm cân và nhiều vấn đề sức khoẻ khác. Ketosis là trạng thái an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, bạn có thể gặp một vài tác dụng phụ của keto, đặc biệt là vào giai đoạn đầu thực hiện chế độ ăn này.
Vậy những tác dụng phụ của keto đó là gì? Mời bạn đọc tiếp các phần dưới đây.
2. Tác dụng phụ của keto
Dưới đây là một số tác dụng phụ của keto mà bạn nên biết:
2.1. Cúm keto – Keto flu
Khi bắt đầu keto, bạn có thể gặp một loạt các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sinh hoạt. Tình trạng này được gọi là cúm keto vì các biểu hiện này giống với triệu chứng của cúm. Các triệu chứng của cúm keto phổ biến bao gồm:
- Mệt mỏi.
- Hoa mắt, chóng mặt
- Buồn nôn và ói mửa.
- Giảm sức bền khi lao động hoặc vận động.
- Rối loạn tiêu hoá: táo bón hoặc tiêu chảy
- Các cơn đói xuất hiện nhiều hơn.
Những triệu chứng này có thể khiến bạn dễ “chùn bước” ngay trong thời kỳ đầu keto. Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ dần biến mất sau vài ngày và không gây ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ. Bạn có thể khắc phục bằng cách uống đủ nước và chất điện giải để giảm bớt các triệu chứng của cúm keto.
2.2. Tim đập nhanh
Khi chuyển sang keto, bạn có thể thấy tim đập nhanh hơn. Lý do là vì trong giai đoạn đầu keto, cơ thể thường do mất nước hoặc thiếu khoáng chất dẫn tới các hiện tượng như:
Mất cân bằng điện giải
Khi bạn loại bỏ carbohydrate ra khỏi chế độ ăn uống, cơ thể sẽ sản xuất ít insulin hơn. Sự suy giảm insulin này sẽ kích hoạt thận tăng thải natri và các khoáng chất. Việc này dẫn đến cơ thể bị thiếu khoáng chất và mất cân bằng điện giải.
Lâu ngày dễ khiến cho tim đập nhanh, mạnh hơn.
Mất nước
Khi keto, bạn không cung cấp đủ lượng carbohydrate cho cơ thể. Cơ thể trước tiên sẽ sử dụng hết glycogen dự trữ. Glycogen được gắn vào nước trong cơ thể. Vì vậy khi sử dụng glycogen sẽ giải phóng lượng nước dư thừa để đào thải khỏi cơ thể qua đường nước tiểu. Đây cũng là lý do nhiều người giảm cân nhanh chóng khi bắt đầu ăn chế độ keto. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến mất nước, đặc biệt là nếu bạn không uống nhiều nước.
Tim đập nhanh liên quan đến keto thường xảy ra trong thời gian ngắn trong thời gian đầu. Khi cơ thể chuyển sang trạng thái ketosis, triệu chứng này sẽ biến mất.
Một số biện pháp giúp bạn khắc phục và ngăn ngừa chứng tim đập nhanh liên quan đến keto đó là:
- Uống nước muối nhẹ.
- Ăn các loại rau giàu magie và kali như: súp lơ, rau bina, bông cải xanh và rau lá xanh đều. Đây đều là những loại rau thân thiện với keto có chứa các khoáng chất quan trọng này.
- Thêm chất bổ sung khoáng chất có chứa tất cả các chất điện giải và khoáng chất cần thiết.
>>> Để đảm bảo an toàn khi keto, bạn nên tìm hiểu chi tiết về chế độ dinh dưỡng dành cho người keto thông qua bài viết: Keto ăn gì
2.3. Chuột rút
Theo các chuyên gia thời gian đầu mới tham gia keto, cơ thể mất khoáng chất, đặc biệt là magie, natri hay kali. Nên bạn có thể bị chuột rút bất cứ lúc nào trong ngày hoặc đêm.
Nguyên nhân thường gặp gây chuột rút là do mất nước và mất cân bằng điện giải. Chính vì vậy để ngăn ngừa và khắc phục tình trạng này bạn hãy bổ sung nước và các khoáng chất cần thiết như magie, natri, kali bằng những cách đã đề cập ở trên nhé.
2.4. Rụng tóc
Cũng như bất kì sự thay đổi chế độ ăn kiêng lớn nào, bạn đều có thể trải qua một thời gian tạm thời tóc rụng (thường là từ ba đến sáu tháng sau khi bắt đầu ăn keto). Điều này tương tự như rụng tóc do thay đổi nội tiết tố xảy ra vài tháng sau khi mang thai hoặc thực hiện các thay đổi lớn khác về chế độ ăn uống. Những biến đổi này ảnh hưởng đến nội tiết tố của bạn và cần thời gian để cơ thể bạn điều chỉnh.
Bạn có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây để hỗ trợ sức khỏe của tóc khi mới bắt đầu keto.
- Ăn đầy đủ và đa dạng các chất. Tuy nhiên bạn cũng phải lưu ý rằng keto là chế độ ăn hạn chế lượng carbohydrate xuống thấp nhất.
- Hạn chế căng thẳng, mệt mỏi
- Ngủ đủ giấc
2.5. Một số vấn đề về tiêu hoá
Rối loạn tiêu hoá cũng là một trong những tác dụng phụ của keto đáng lo ngại. Cụ thể như sau
Táo bón
Một tác dụng phụ của keto trong giai đoạn cơ thể đang tập quen với chế độ ăn mới này đó là táo bón. Chế độ ăn uống hạn chế tinh bột khiến cơ thể đào thải nhiều nước hơn, nhu động ruột giảm dẫn đến bị táo bón. Nếu bạn đang gặp phải táo bón, bạn có thể thử áp dụng một số biện pháp như sau:
– Bổ sung thêm chất xơ bằng cách đừa nhiều loại rau củ ít tinh bột vào thực đơn hàng ngày của bạn.
– Đưa thêm lượng nhỏ thực phẩm lên men trong bữa ăn của bạn.
– Thử tiêu thụ một số loại hạt như: hạt chia hoặc hạt lanh để cải thiện tình trạng táo bón.
– Hãy cân nhắc bổ sung magie để tăng cường nhu động ruột tốt hơn
– Nhai kỹ thức ăn và tạo cảm giác thoải mái trong lúc ăn uống.
– Uống nhiều nước.
– Dành 30 phút đến 1 tiếng để vận động nhẹ nhàng, phòng ngừa táo bón bạn nhé.
Tiêu chảy
Khi cơ thể đang dần chuyển sang trạng thái ketosis thì bạn có thể sẽ gặp tình trạng bị tiêu chảy. Nguyên nhân có thể là do cơ thể nạp vào nhiều chất béo hoặc chất tạo ngọt nhân tạo (các loại đường ăn kiêng keto). Do vậy, bạn nên chú ý liều lượng cũng như cách ăn các loại thực phẩm này để phù hợp hơn với cơ thể bạn.
2.6. Hơi thở có mùi – hơi thở keto
Khi keto, cơ thể đốt cháy chất béo để lấy năng lượng. Quá trình này, gan sẽ tạo ra các thể ketone như acetoacetate, beta-hydroxybutyrate và acetone. Khi bạn mới bắt đầu sử dụng xeton thay thế glucose, cơ thể sẽ tạo xeton nhiều hơn lượng cơ cần sử dụng nhiều lần.
Lượng xeton dư thừa sẽ được đào thải qua hơi thở (chủ yếu là acetone – mùi giống sơn móng tay). Đây cũng là dấu hiệu vào keto hay gặp ở nhiều người. Khi cơ thể không còn glucose dự trữ sẽ sử dụng xeton hiệu quả hơn, hơi thở keto cũng sẽ biến mất.
Một số giải pháp bạn có thể sử dụng để hạn chế tác dụng phụ của keto này đó là:
– Uống nhiều nước: Nước uống không chỉ giúp ngăn ngừa hơi thở có mùi do mất nước mà còn có thể “rửa sạch” axeton trong hơi thở.
– Thêm bạc hà hoặc uống nước lá bạc hà: giúp bạn che giấu mùi hơi thở keto và làm cho hơi thở trở nên thơm tho hơn.
2.7. Phát ban
Một số người khi ăn keto thấy cơ thể có biểu hiện phát ban. Nếu bạn đang cảm thấy ngứa phát ban, chưa quen với keto và và đang tự hỏi liệu mình có bị phát ban keto hay không, hãy xem xét các dấu hiệu nhận biết sau:
- Nốt phát ban trông có màu hồng nhạt và đối xứng, mọc phổ biến nhất là ở các vùng lưng, ngực và cổ.
- Bạn bắt đầu bị ngứa và kích ứng da ngay sau khi bắt đầu chế độ ăn kiêng keto (trong vài tuần đầu tiên).
- Phát ban của bạn có thể (hoặc không) trông giống như mụn đỏ với chất lỏng (không giống như sẩn, dạng rắn), sau đó sẫm màu dần.
- Giải pháp khắc phục
Nếu phát hiện những biểu hiện trên thì bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:
- Bình tĩnh: Nồng độ axeton thường giảm xuống khi cơ thể bạn đốt cháy xeton hiệu quả hơn. Vì vậy, nếu phát ban liên quan đến axeton, nó sẽ hết (giống như hơi thở hết axeton) sau khi bạn hoàn toàn ở trạng thái ketosis.
- Bạn có thể tăng lượng carb nhiều hơn một chút.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau khi tập thể dục.
- Xem xét xem trong những thực phẩm bạn đang sử dụng, bạn có bị dị ứng không.
- Nếu bạn thấy tình trạng phát ban không thuyên giảm hãy đi khám và nhận sự tư vấn từ bác sĩ nhé.
>>> Bên cạnh những tác dụng phụ, keto mang đến rất nhiều điều tuyệt vời dành cho sức khoẻ của bạn. Mời bạn tìm hiểu thêm về vấn đề này thông qua bài viết: Lợi ích của keto
Keto không chỉ là chế độ ăn – keto là lối sống. Tuy nhiên, trước khi tham gia vào keto bạn cũng cần biết trước các tác dụng phụ của keto mà chúng tôi đã trình bày trên để chuẩn bị tinh thần vững vàng hơn. Chúc bạn keto thành công!